Đồng dao là gì?
Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng
của trẻ em Việt Nam
trong xã hội xưa. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời
hát trong các trò chơi, bài hát ru em…
Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn
liền với các trò chơi của trẻ. Tuy chỉ được lưu truyền qua các thế hệ bằng
phương thức truyền miệng, nhưng đồng dao và trò chơi-đồng dao đã mang lại cho
trẻ em đời sống tinh thần phong phú qua những cảm xúc vui tươi, hồn nhiên,
trong sáng cũng như một môi trường giáo dục mang tính học tập cộng đồng.
Nhạc điệu của các bài đồng dao thường
rất đơn giản, chủ yếu là dựa trên tiết tấu của lời thơ. Đặc biệt có nhiều bài
thơ ngắn, nhưng câu đầu câu cuối vẫn nối với nhau tạo điều kiện cho các em có
thể hát mãi theo kiểu vòng tròn mà không chán.
Hát ru: Ông bà ta nhận thức rằng để giáo dục trẻ
em thì thông qua con đường tình cảm là hiệu quả nhất. Đầu tiên là tình mẹ con
tràn trề thấm thía qua những bài hát ru:
“Cục ta cục tác
Diều hâu hung ác
Gà con ở đâu
Về mau mẹ ủ
Mẹ con đông đủ
Chẳng sợ diều hâu”.
Các chị lớn hơn, thường phải bế em. Buổi
trưa đánh võng kẽo kẹt, buổi tối đặt em nằm trên chõng tre giữa sân gió mát,
các em hát ru cho bé thiu thiu vào giấc ngủ.
Thường các bài hát bắt đầu bằng
câu: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan”, hoặc “Cái ngủ mày ngủ cho lâu”,
hoặc “Bồng bồng mà nấu canh tôm”… Có khi chưa có em bé thì bế búp bê,
cái gối, cuộn vải… cũng à ơi hát ru mình chơi với mình.
Những bài hát ru thường êm ả chảy dài
đều đều theo thể lục bát dân tộc. Những bài hát ru này các em nghe mẹ, nghe bà
hát mà thuộc dần dần:
“Kéo kưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Thì ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ”.
Hát gọi: Đây là lời hát của các em trò chuyện với
giới tự nhiên, với mưa, với nắng, với ngọn gió, con chim, con ốc, cái lá, cái
hoa, con bê, con nghé… Các em hòa đồng, gần gũi với thiên
nhiên trong tình bầu bạn. Mỗi vật, mỗi cảnh tự nhiên đều trở thành một thứ đồ
chơi, trò chơi cho các em. Loại bài hát này mang phong vị nguyên sơ cùng hơi
thở chất phác của nó.
Bắt được con cào cào, các em giữ chắc
hai đầu càng cho nó nhún nhảy, xập xòe mở cánh:
“Cào cào giã gạo tao xem
Đến mai tao may áo đỏ áo xanh cho cào
Cào cào giã gạo cho nhanh
Đến mai tao may áo đỏ áo xanh cho cào”.
Khúc đồng dao “Nu na nu nống”
không chỉ là một trò chơi vui, mang nhiều tính chất rèn luyện phản xạ, vận động
cho trẻ mà còn là một bài hát đồng dao có giai điệu trong sáng, vui tươi, lời
ca giản dị nhưng đầy hình ảnh thân thương cùng với bài học giáo dục đạo đức,
được trẻ ghi nhớ một cách rất tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Hai ba em ngồi
xúm vào nhau, cùng duỗi chân ra. Một em đập nhẹ vào chân từng người, mỗi cái
đập hát một câu:
“Nu na nu nống
Cái Bống nằm trong
Con Ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Bà ngồi bà khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Bà mụ thổi xôi
Bà tôi nấu chè
Tò he cống dụt…”.
Đến chữ “dụt” trúng vào chân ai, em đó
phải đứng lên nhảy lò cò một vòng quanh các bạn rồi lại ngồi chơi tiếp.
Hay trò chơi-đồng dao “Thả đỉa ba ba”
là một trò chơi rất hào hứng với các trẻ khi cùng một lúc được hát, đi và chạy
theo nhịp điệu thong thả và linh hoạt. Tuy trò chơi đơn giản nhưng lại rất phù
hợp bởi đã đáp ứng được tâm sinh lý của lứa tuổi luôn có nhu cầu cao về vận
động:
“Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối, hạt tiêu
Đổ niêu nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà ấy phải chịu
Một trăm quan tiền
Thiên niên củ khoẳm…”.
Đồng dao còn là một kho kiến thức xã hội về hội hè, đình đám, trong họ ngoài
làng, về đồ ăn, thức uống: “Những nồi cơm nếp, những tệp bánh chưng, mứt bí,
mứt gừng, mứt chanh, mứt khế…”.
Các em được chuẩn bị từ tuổi hoa niên những
kiến thức về nghề nghiệp trong xã hội sau này: “Ông thầy có sách, thợ ngạnh
có dao, thợ rèn có búa…” hay “Ai cày ruộng nuôi trâu, ai trồng dâu nuôi
tằm, ai hay nằm nhịn đói”. Thậm chí các bé gái được đồng dao trang bị cho
kiến thức nữ công gia chánh đặc biệt: “Bắt được cua bấy đem về nấu canh, băm
tỏi băm hành, xương sông lá lốt”, hay “Canh ốc thì ngọt, canh bứa thì
chua”…
Trò chơi-đồng dao còn giáo dục thể lực ở
trẻ. Qua trò chơi, các em được dịp rèn luyện mắt, chân, tay, thính giác, khứu
giác…
Trò chơi-đồng dao như một
chất keo kết nối những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau mà ta
khó tìm thấy trong các trò chơi hiện đại ngày nay.
Kho tàng đồng dao và trò chơi trẻ em Việt Nam quả thật là
những hình thức giáo dục có hiệu quả. Tiếc rằng, với cuộc sống hiện đại, nó dần
dần mai một. Chúng ta hiếm gặp hình ảnh các em tụm năm tụm ba chơi các trò
“Dung dăng dung dẻ”, “Rồng rắn lên mây”, “Bịt mắt bắt dê”… vào những đêm trăng
sáng. Đã đến lúc các nhà giáo dục nên vào cuộc để duy trì sức sống của đồng dao
trong không gian văn hóa đương đại.
Sóc Trăng (sưu tầm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét